Các mô hình phát triển Rạn san hô viền bờ

Dù rạn san hô viền bờ là loại ám tiêu có địa mạo đơn giản nhưng quá trình phát triển của chúng phức tạp hơn nhiều. Nhân tố chủ chốt ảnh hưởng lên quá trình này là sự thay đổi của mực nước biển.[13] Sự biến thiên của mực nước biển làm thay đổi không gian phát triển của rạn san hô: (1) khi mực nước biển tăng lên thì không gian dành cho sự phát triển của san hô cũng tăng, khi đó chiều phát triển hướng lên mặt biển của rạn san hô sẽ được ưu tiên[13], (2) ngược lại khi mực nước biển giảm xuống thì không gian dành cho san hô bị thu hẹp bớt.[14] Dựa vào yếu tố không gian dành cho sự phát triển của san hô này mà Kennedy & Woodroffe (2002) đã tổng kết lý thuyết và rút ra sáu mô hình phát triển của rạn viền bờ như sau:

  • Phát triển hướng lên rồi tiến ra biển: lúc đầu rạn phát triển theo phương đứng hướng lên mặt biển. Khi mào rạn chạm mặt nước thì quá trình phát triển theo phương ngang [hướng ra biển] có thể diễn ra.[14] Sự phát triển hướng lên và hướng về phía biển này chỉ quanh quẩn ở nơi mà rạn khởi sự phát triển trong khoảng thời gian 1.000 năm.[15]
  • Phát triển theo phương ngang về phía biển: rạn san hô khởi sự hình thành tại đường bờ và gần sát với mặt nước, do vậy không gian cho sự phát triển theo phương đứng là hầu như không có.[16]
  • Phát triển theo phương ngang về phía biển trên nêm trầm tích phi ám tiêu: rạn san hô cũng phát triển hướng ra biển do thiếu không gian cho phép san hô phát triển hướng lên, nhưng điểm khác biệt là khung san hô phát triển trên một nêm trầm tích bùn. Vì vậy mà sự lắng đọng trầm tích loại này ở đới mặt ngoài rạn là yếu tố chi phối tiến trình phát triển hướng ra biển của rạn san hô do rạn cần lớp trầm tích này làm nền để phát triển.[16]
  • Phát triển từng hồi: rạn san hô phát triển theo từng thời đoạn, nghĩa là rạn san hô mới hình thành sẽ nằm song song với đới sườn dốc của một rạn san hô cũ. Khoảng trống giữa các rạn san hô này được khoả lấp bởi các trầm tích bở rời có nguồn gốc ám tiêu.[16][17]
  • Mào rạn nổi lên - vụng biển bị lấp đầy: sự phát triển của rạn san hô tập trung ở vùng xa đường bờ, nói cách khác là mào rạn phát triển nhanh chóng hơn mặt bằng rạn. Khi mào rạn vươn đến mặt biển thì vùng nước giữa đường bờ và mào rạn trở thành một vụng biển nông [mào rạn tựa như một "dải chắn"]. Vụng biển này sẽ bị lấp đầy bởi trầm tích từ mào rạn hay trầm tích được sản sinh ở ngay vụng biển đó.[17][18]
  • Bão tác động: mô hình này tương tự mô hình thứ năm nhưng khác ở chỗ, "dải chắn" hình thành là do tác động từ các cơn bão. Bão đưa vật liệu san hô từ phía ngoài của rạn về hướng đường bờ và tạo thành "dải chắn". Trầm tích sẽ tích tụ phía sau dải chắn này. Các cơn bão kế tiếp sẽ tiếp tục định hình rạn san hô và chuyển dịch dải chắn về hướng biển.[18]